Lễ Vu Lan: Nguồn Gốc, Ý Nghĩa Về Đức Hiếu Hạnh Trong Phật Giáo

Share on facebook
Share on twitter
Share on pinterest
Share on linkedin
Share on email
Lễ Vu Lan: Nguồn Gốc, Ý Nghĩa Về Đức Hiếu Hạnh Phật Giáo
Share
Share on facebook
Share on twitter
Share on pinterest
Share on linkedin
Share on email

Nội dung bài viết

Lễ Vu Lan (diễn ra vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) là một ngày lễ quan trọng trong Phật giáo. Lễ này bắt nguồn từ câu chuyện về Bồ tát Mục Kiền Liên, người đã cứu mẹ mình khỏi kiếp ngạ quỷ.

Ngày nay, Vu Lan là dịp để con cái bày tỏ đức Hiếu Hạnh là lòng biết ơn đến cha mẹ và tổ tiên. Đây không chỉ là một ngày lễ tôn giáo mà còn là một nét đẹp văn hóa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Lễ Vu Lan nhắc nhở chúng ta về cội nguồn, về bổn phận làm con và giá trị của gia đình.

Cùng bTaskee tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa và những việc nên làm trong ngày Vu Lan Báo Hiếu trong bài viết dưới đây!

Nguồn Gốc Lễ Vu Lan

Lễ Vu Lan có nguồn gốc từ câu chuyện Phật Giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn. Theo đó, Lễ Vu Lan bắt nguồn từ thời Đức Phật khi Ngài dạy phương pháp báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời sau. Người đầu tiên tiếp nhận lời dạy này là Tôn giả Mục Kiền Liên, một trong 10 vị đệ tử xuất chúng của Đức Phật.

Kinh Vu Lan Bồn kể rằng khi Bồ Tát Mục Kiền Liên tu thành chánh quả, Ngài nhớ tới mẹ và dùng tuệ nhãn để tìm kiếm khắp nơi. Và Ngài thấy mẹ mình đang ở trong loài ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ rất khổ sở. Thương mẹ, Mục Kiền Liên dùng thần thông mang bát cơm đến cho mẹ, nhưng do bà Thanh Đề (mẹ Ngài) còn quá sân si và ác nghiệp nặng nên cơm biến thành lửa khi bà đưa vào miệng. Tôn giả Mục Kiền Liên không thể cứu mẹ nên đã quay về hỏi Đức Phật.

Đức Phật dạy rằng: “Dù ông có thần thông quảng đại cũng không đủ sức cứu mẹ, chỉ có cách nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp nơi, sau 3 tháng an cư kiết hạ cùng tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hoá được nghiệp lực giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ.”

Tôn giả Mục Kiền Liên làm theo lời Đức Phật, cung thỉnh chư Tăng và sắm sửa lễ cúng vào ngày 15/7 âm lịch. Nhờ đó, mẹ của Ngài được giải thoát. Đức Phật cũng dạy rằng chúng sanh muốn báo hiếu cho cha mẹ nên theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Kể từ đó, ngày Lễ Vu Lan ra đời.

Ngày Lễ Vu Lan có nguồn gốc từ kinh Vu Lan Bồn trong Phật Giáo.
Ngày Lễ Vu Lan có nguồn gốc từ kinh Vu Lan Bồn trong Phật Giáo.

Ý Nghĩa Lễ Vu Lan Báo Hiếu

Trong Phật Giáo, Lễ Vu Lan là dịp để Phật tử thể hiện Đức Hiếu Hạnh đối với đấng sinh thành và các bậc tiền bối thông qua các việc làm như: Cầu siêu cho người đã khuất, làm phúc bố thí và phóng sinh để tích đức cầu an cho cha mẹ.

Sở dĩ có nghi thức cầu siêu là vì ngày Vu Lan trùng với ngày Rằm tháng Bảy (15/7 âm lịch), ngày xá tội vong nhân theo phong tục Á Đông. Dân gian tin rằng đây là ngày Diêm Vương mở cửa ngục, ân xá cho vong linh nên sẽ có lễ cúng Cô Hồn cho những linh hồn không nơi nương tựa.

Khi đến chùa, Phật tử sẽ được cài lên áo một bông hồng: màu đỏ cho người còn mẹ và màu trắng cho người đã mất mẹ. Bông hồng đỏ nhắc nhở con cái hiếu thảo với cha mẹ, còn bông hồng trắng nhắc nhở tưởng nhớ công ơn cha mẹ và giữ gìn gia phong.

Ngày nay, ý nghĩa của Lễ Vu Lan đã được mở rộng hơn, kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa, “uống nước nhớ nguồn”. Vu Lan Báo Hiếu khuyến khích mọi người tri ân và đền ơn bốn nguồn ân đức: cha mẹ, thầy cô giáo, các bậc tiền bối dựng xây đất nước và chính đồng loại con người.

Ngày Vu Lan mang ý nghĩa nhân văn nhớ về nguồn cội rất sâu sắc.
Ngày Vu Lan mang ý nghĩa nhân văn nhớ về nguồn cội rất sâu sắc.

6 Việc Làm Ý Nghĩa Để Ngày Lễ Vu Lan Trở Nên Trọn Vẹn

Tham Gia Nghi Lễ Bông Hồng Cài Áo

Trong ngày lễ Vu Lan, Phật tử thường thực hiện nghi lễ tôn vinh cao nhất “bông hồng cài áo” tại các pháp hội hay hội đoàn. Việc cài hoa lên ngực áo là cách thể hiện chữ “Hiếu” của con cái đối với đấng sinh thành.

Theo Đại đức Thích Trí Thịnh, hoa hồng trong ngày lễ Vu Lan không chỉ là biểu tượng của tình yêu đơn thuần, mà còn là biểu tượng của sự cao quý, tri ân và lòng biết ơn đối với cha mẹ, dù họ còn hay đã mất. Theo đó:

  • Hoa hồng đỏ: Dành cho những ai còn cha mẹ, nhắc nhở về tình yêu thương và hạnh phúc hiện có, đồng thời khuyến khích làm vui lòng cha mẹ.
  • Hoa hồng hồng nhạt: Dành cho những người mất cha hoặc mẹ.
  • Hoa hồng trắng: Dành cho những người mất cả cha lẫn mẹ, nhắc nhở về sự mất mát và khuyên nhủ sống tốt để người đã khuất được an lòng.
  • Hoa hồng vàng: Dành cho các tu sĩ, tượng trưng cho sự phổ độ chúng sinh và báo hiếu cha mẹ đời này và đời sau.
Nghi lễ “Bông hồng cài áo” được xem là linh thiêng nhất trong ngày lễ Vu Lan.
Nghi lễ “Bông hồng cài áo” được xem là linh thiêng nhất trong ngày lễ Vu Lan.

Cúng Lễ Vu Lan

Theo quan niệm, việc cúng Lễ Vu Lan mang nhiều ý nghĩa tích cực:

  • Cúng Vu Lan để cầu siêu cho ông bà, tổ tiên và những người thân đã khuất., giúp họ được sự an lạc ở thế giới bên kia.
  • Cúng Vu lan để cầu nguyện cho cha mẹ được bình an và hạnh phúc.
  • Cúng Vu Lan để tỏ lòng biết ơn đến tất cả những người đã mất như thầy cô giáo, những người có công với đất nước…
Cúng Lễ Vu Lan là một trong những phong tục quan trọng của nhiều gia đình.
Cúng Lễ Vu Lan là một trong những phong tục quan trọng của nhiều gia đình.

Đi Chùa Sám Hối Và Cầu Bình An Cho Gia Đình

Vì Lễ Vu Lan bắt nguồn từ câu chuyện về Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ nên vào dịp này, mọi người thường đi chùa để sám hối, cầu bình an cho gia đình và tỏ lòng biết ơn tổ tiên, cha mẹ. Đây cũng là cơ hội để gắn kết tình cảm gia đình, tìm lại sự bình yên trong tâm hồn và lan tỏa yêu thương đến mọi người.

Tặng Quà Cho Cha Mẹ

Để bày tỏ đức Hiếu Hạnh đến ông bà cha mẹ, mùa Vu Lan cũng là dịp để con cái tặng cho đấng sinh thành những món quà ý nghĩa. Bạn có thể cân nhắc các lựa chọn như thực phẩm chức năng, quần áo giữ ấm, đồ lưu niệm hoặc một bữa ăn gia đình ấm áp.

Hãy luôn nhớ rằng dù là món quà nào, sự quan tâm và tình cảm chân thành mới là điều quý giá nhất trong ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu.

Thăm Viếng Mộ Phần Tổ Tiên

Đối với những người đã khuất, mọi người thường hay đến thăm viếng các mộ phần ông bà, người thân đã khuất để bày tỏ lòng thành kính. Đây cũng là dịp để cầu nguyện cho gia đình được bình an và nhìn lại những điều chưa tốt để sửa đổi.

Làm Nhiều Việc Thiện, Tránh Điều Ác

Dù việc thiện nên được thực hiện quanh năm, nhưng trong ngày lễ Vu Lan, những việc phúc đức này mang ý nghĩa đặc biệt hơn như:

  • Giúp tích phước đức để báo hiếu cha mẹ
  • Giúp cầu siêu cho người đã khuất
  • Giúp cứu độ chúng sinh
  • Giúp phát huy tinh thần từ bi, phổ độ chúng sinh
  • Giúp gieo nhân lành, gặt quả ngọt.

Lễ Vu Lan Tại Các Quốc Gia Khác Diễn Ra Thế Nào?

Lễ Vu Lan Tại Trung Quốc

Trong văn hóa Trung Quốc, ngày rằm tháng 7 âm lịch được gọi là Lễ hội Ma hay Tiết Trung Nguyên. Tháng bảy thường được gọi là Tháng Ma (鬼月, Quỷ nguyệt), trong đó các linh hồn của người đã khuất (bao gồm cả tổ tiên) sẽ trở về từ cõi âm. Cùng với lễ Thanh minh vào mùa xuân và lễ Trùng cửu vào mùa thu, Lễ hội Ma là dịp để người sống tôn kính tổ tiên đã qua đời.

Ngày rằm tháng 7 là ngày đặc biệt khi cả ba cõi thiên đàng, địa ngục và trần gian đều mở cửa. Các tín đồ Đạo giáo và Phật giáo sẽ thực hiện các nghi lễ để cầu siêu cho người đã khuất. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là trọng tâm của tháng 7 âm lịch của người Trung Quốc, thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu. Các hoạt động bao gồm chuẩn bị đồ cúng, đốt hương và giấy vàng mã (quần áo, vàng và các vật dụng bằng giấy khác) để dâng lên tổ tiên.

Ngoài ra, ngày 15/7 âm lịch các gia đình người Hoa cũng sẽ chuẩn bị một bữa ăn chay thịnh soạn với ghế trống dành cho mỗi người đã khuất, thể hiện sự tôn trọng và tưởng nhớ như thể họ vẫn còn sống.

Lễ Vu Lan tại Trung Quốc.
Lễ Vu Lan tại Trung Quốc.

Lễ Vu Lan Tại Nhật Bản

Người Nhật kỷ niệm lễ Vu Lan (Obon) vào ngày 15 tháng 8 dương lịch (hoặc 15 tháng 7 ở một số nơi). Ngày lễ thường kéo dài 3 ngày với các hoạt động như đốt lễ vật và thả đèn lồng trên sông (Tōrōnagashi) để dẫn đường cho linh hồn người đã khuất.

Mỗi địa phương có cách tổ chức Obon riêng và thường kết hợp với các điệu múa dân gian. Người Nhật cũng viết điều ước lên giấy và treo lên cây trúc với mong cầu ước nguyện sẽ thành hiện thực.

Lễ Vu Lan tại Nhật Bản.
Lễ Vu Lan tại Nhật Bản.

Ngoài ra, Lễ Vu Lan tại các quốc gia khác cũng có những tên gọi khác nhau như:

  • Hàn Quốc: Miryang baekjung nori (밀양백중놀이; 密陽百中놀)
  • Campuchia: Pchum Ben / Sen Đôn-ta (បុណ្យភ្ជុំបិណ្ឌ)
  • Lào: Boun khao padap din
  • Sri Lanka: mataka dānēs hoặc matakadānaya
  • Thái Lan: Sart Thai (สารทไทย)

Mỗi nước cũng sẽ có những phong tục riêng, nhưng tất cả đều hướng đến mục đích tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành đã khuất.

Câu Hỏi Thường Gặp

Lễ Vu Lan 2024 Là Ngày Nào?

Lễ Vu Lan 2024 rơi vào ngày Rằm tháng 7 (15/7 âm lịch), tức là ngày Chủ Nhật, ngày 18 tháng 8 năm 2024 theo dương lịch.

Lễ Vu Lan Có Phải Là Lễ Xá Tội Vong Ân Không?

Không, Lễ Vu Lan và Lễ Xá Tội Vong Ân hoàn toàn khác nhau mặc dù được diễn ra cùng ngày 15/7 âm lịch. Lý do là vì:

  • Lễ Vu Lan: Là ngày lễ báo hiếu, thể hiện lòng biết ơn và tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ và tổ tiên. Nguồn gốc của lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ.
  • Lễ Xá tội vong nhân: Là ngày để cầu siêu và giải thoát cho những vong linh còn vất vưởng và chưa được siêu thoát. Lễ này xuất phát từ quan niệm dân gian về tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn, khi các linh hồn được trở về trần gian.

Với những nội dung trên về ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu mà bTaskee chia sẻ, hy vọng sẽ giúp ích cho bạn đọc. bTaskee chúc mọi người có một mùa Vu Lan được bình an. Đừng quên theo dõi bTaskee để biết thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé!


Hãy là người cập nhật những thông tin mới nhất về tin tức, chương trình khuyến mại, những mẹo hay cuộc sống từ bTaskee.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The application is currently deployed in Vietnam Thailand

download-asker-btaskee-ver-3

Book a home cleaning task
right away

Download, register and experience exciting features only available on bTaskee App – On-demand Home Services